Lằn ranh nhảy việc và câu chuyện giằng co: “ĐI” hay “Ở”?
Phần lớn mọi người thường chưa nghỉ việc nếu không biết chắc “bến đỗ” tiếp theo của mình là đâu. Bởi lẽ, chuyện nghỉ việc xong mới ráo riết xin việc ít nhiều khiến chúng ta cảm thấy như mình đang là người thất bại – một người thất nghiệp. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng e dè hơn trước những ứng viên đã từng nghỉ việc trong một khoảng thời gian mà không có lý do rõ ràng. Tuy nhiên, sẽ có những tình huống mà bạn cần mạnh mẽ, quyết đoán hơn trong chuyện “nhảy việc” để kịp thời “cứu” lấy sự nghiệp của mình.
Để có cái nhìn tổng quan về nhảy việc, HR Insider mời bạn cùng tham khảo ý kiến của Priscilla Claman – Chủ tịch của Career Strategies Inc. – công ty chuyên cung cấp huấn luyện nghề nghiệp cho các cá nhân và dịch vụ quản lý nghề nghiệp cho các tổ chức. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn nhân sự, bà Claman sẽ cho bạn cái nhìn đa diện hơn, để từ đó đưa ra quyết định nhảy việc khôn ngoan hơn.
Nhảy việc hay không?
“Để trả lời cho câu hỏi trên, tôi xin chia sẻ với bạn câu chuyện cá nhân của mình” – Priscilla mở màn. “Cha tôi đã từng thách bạn trai của tôi trượt nước ngoài đại dương Cape Cod, và anh ấy đồng ý dù chưa bao giờ thử trò này. Khi cha tôi lái thuyền kéo bạn trai tôi, dù hai tay anh ấy đã giữ chặt tay cầm nhưng chân đã bị trượt ra sau khiến đầu đập xuống nước. Ngay lập tức tôi hét lên và bắt anh ấy buông tay. Có thể nói, chỉ cần trễ chút thôi, tôi có thể sẽ mất anh ấy mãi mãi…”.
Tương tự trong công việc, đôi khi chỉ vì không “nhảy việc” đúng thời điểm mà sự nghiệp bạn gây dựng có thể sẽ tiêu tan. Dưới đây là hai tình huống mà bạn nên cân nhắc nghỉ việc ngay, bất chấp lúc đó bạn đã tìm được việc mới hay chưa:
Thứ nhất, đó là khi bạn cảm nhận, biết được rằng công ty hiện tại đang dính líu đến những vấn đề bất hợp pháp hoặc phi đạo đức.
Thứ hai, sức khỏe và cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng tiêu cực khi làm việc tại công ty hiện tại.
Dẫu là vậy, nhưng chuyện nghỉ việc không phải muốn nghỉ là nghỉ. Trước đó, bạn cần lên một kế hoạch nghỉ việc cho mình bao gồm thời điểm “nhảy việc”, cách từ chức, ai sẽ là người đóng vai trò là “nguồn tham khảo” khi công ty mới muốn tìm hiểu về bạn, và quan trọng nhất cần phải tìm được một lí do nghỉ việc chính đáng. Hi vọng một số câu chuyện thực tế dưới đây sẽ phần nào giúp bạn hoàn thiện kế hoạch “nhảy việc” của mình!
Câu chuyện thứ nhất
Beth cùng hai người bạn cùng nhau khởi nghiệp. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, Beth biết được hai người bạn của mình đã có những hành động lừa dối khách hàng. Beth nhận ra, đã đến lúc cô phải đặt dấu chấm hết cho công việc hiện tại dẫu cô sẽ mất toàn bộ vốn đầu tư cho công ty của mình lúc đầu. Trong trường hợp này, Beth chọn bảo vệ uy tín và danh dự của mình thay vì nuối tiếc “đứa con” mà mình đã dày công gây dựng.
Trước khi nghỉ việc, Beth đã có một sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng: cô thuê luật sư tư vấn để hiểu rõ nghĩa vụ pháp lí của mình đối với công ty, cẩn thận tìm một lí do chính đáng để xin từ chức. Beth bày tỏ trong thư: “Mình rất vui và hào hứng vì được thực hiện ước mơ khởi nghiệp cùng hai bạn. Thế nhưng sau một thời gian tìm hiểu và xác định xem bản thân mình muốn gì, mình nhận ra mình cảm thấy thoải mái hơn nếu được làm trong một công ty có tổ chức và trật tự…”
Tiếp đến, Beth lượt lại danh sách những người có khả năng hỗ trợ cô xác nhận cho quá trình làm việc và lí do nghỉ việc mà cô đã trình bày trong thư xin thôi việc như sếp cũ, khách hàng và đồng nghiệp hiện tại. Không ai trong số họ biết về “lí do thật sự” vì thực tế, mọi thứ chỉ xuất phát từ những nghi ngờ và phán đoán của Beth, và cô hoàn toàn chưa tìm được bằng chứng. Kết quả cuối cùng là, chỉ trong vòng bốn tháng sau, Beth đã tìm được một công việc khác đồng thời danh tiếng của cô cũng không bị ảnh hưởng gì bởi công ty cũ.
Câu chuyện thứ hai
Paul là một nhân viên chăm chỉ tại một công ty vừa trải qua cuộc sáp nhập đầy khó khăn. Ông có ba người con, trong số đó có một đứa bé cần được chăm sóc đặc biệt. Trước đây, Paul được xem là một “ngôi sao sáng”, thế nhưng kể từ lúc công ty sáp nhập, dù có nỗ lực đến mấy Paul cũng chẳng thể đáp ứng nổi những nhu cầu khắt khe của ban lãnh đạo. Thời gian trôi qua, đồng nghiệp của anh lần lượt bỏ cuộc để chuyển đến một chỗ làm mới, thế nhưng Paul quyết định “trụ lại” vì với mức thu nhập đó, anh có thể nuôi vợ và các con.
Với quyết định không “nhảy việc”, Paul đã phải trải qua vô vàn áp lực công việc đến mức anh cảm thấy hễ hôm nào phải đi làm là hôm ấy cơ thể anh rã rời như ốm nặng. Từ bạn bè, đồng nghiệp, đến gia đình, ai cũng lo lắng cho tình trạng của Paul nhưng anh vẫn mặc kệ mọi thứ. Đến một ngày bác sĩ cho biết anh đã lâm bệnh, đó mới thật sự là lúc anh dám sẵn lòng nghỉ việc. Thế nhưng, nỗi lo sợ mình sẽ không tìm được một vị trí mới cứ quanh quẩn trong tâm trí anh mọi lúc mọi nơi. Đến khi phỏng vấn, vì quá căng thẳng, anh đã trượt liên tiếp vài công ty.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, Paul quyết định chuẩn bị kĩ lưỡng kế hoạch “giải cứu” chính mình bằng cách chuẩn bị một lá thư từ chức được mở đầu bằng lời cảm ơn chân thành mà anh dành cho sếp vì đã cho anh cơ hội tiếp tục đảm nhiệm vị trí cũ dù công ty đã tiến hành sáp nhập. Anh cũng không ngớt lời khen ngợi sếp và đồng nghiệp vì những gì anh đã học được từ họ. Đồng thời, Paul khéo léo gợi ý rằng anh ta muốn chuyển hướng sự nghiệp, thử sức với công việc bán hàng và marketing.
Trong đơn từ chức, Paul cũng không đề cập đến vấn đề sức khỏe của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do áp lực công việc. Bởi anh biết rằng trong tương lai, sẽ có lúc, nhà tuyển dụng hoặc sếp mới của anh sẽ liên lạc với công ty cũ để tìm hiểu về anh. Kết quả là, nhờ cách giải quyết vấn đề thông minh, anh không chỉ rời công ty cũ với ấn tượng tốt mà còn được nhận vào làm ở một công ty mà mình yêu thích.
Vẫn câu hỏi cũ: Nhảy hay không nhảy?
Nếu bạn đang muốn “nhảy việc” nhưng vẫn băn khoăn, lo lắng vì hiện tại vẫn chưa tìm được một công việc phù hợp, hãy thử làm theo những điều sau:
Thứ nhất, lên kế hoạch cho việc nghỉ việc – Bạn sẽ từ chức ra sao? Lúc nào? Bạn sẽ nói điều này với ai? Đừng quên ghi chú lại mọi thứ!
Thứ hai, chọn ra ba người có mối quan hệ tốt với bạn nhất trong quá trình làm việc để làm “nguồn tham khảo”. Một lưu ý nhỏ cho bạn, đó chính là “nguồn tham khảo” phải có tối thiểu một người đang làm ở công ty hiện tại của bạn, nếu bạn ngại sếp thì có thể chọn đồng nghiệp hoặc khách hàng thân thiết.
Thứ ba, viết một lá đơn xin nghỉ việc. Trong đơn, bạn nên gửi đến sếp và công ty hiện tại lời cảm ơn đi kèm một lí do chính đáng. Dẫu bạn có quyết định gặp trực tiếp để trao đổi thì vẫn nên mang theo thư và gửi tận tay họ.
Cuối cùng, hãy bình tĩnh đối diện với mọi thứ và tạo cho mình một khởi đầu với công việc mới đầy viên mãn!
— HR Insider/Theo Harvard Business Review —